Cà tím là gì?
Cà tím hay cà dái dê, có tên khoa học: Solaum melongena L
Cà tím hay cà dái dê (tên khoa học: Solaum melongena L) là một loại cây thuộc họ cà, cùng họ với cà chua, cà pháo, cà dừa và khoai tây, có quả cùng tên được sử dụng như một thực phẩm trong chế độ ăn uống của các gia đình. Không chỉ tăng thêm vị thơm ngon, hấp dẫn cho bữa ăn hàng ngày, cà tím còn sở hữu nhiều giá trị dinh dưỡng, lợi ích cho sức khỏe, là thực phẩm bổ sung giúp bồi bổ cơ thể cho các thành viên trong gia đình.
Nguồn gốc, phân bố của cà tím
Cà tím được trồng nhiều tại Bắc thái Lan, Myanmar và Việt Nam
Cà tím có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Từ 1500 năm trước, cà tím đã được trồng khắp Đông Bắc Ấn Độ và vùng tây nam Trung Quốc. Cà tím cũng là loại cây bản địa, được trồng nhiều tại Bắc thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
Vào những năm 1800, khi thương mại phát triển, thúc đẩy giao thương giữa các nước dễ dàng hơn, cà tím đã được người dân Ba Tư, Ả Rập, Tây Ban Nha mang đi chào bán tại các nước châu Phi, châu Âu và Mỹ.
Đặc điểm của cà tím
Cà tím là cây thân thảo ưa nhiệt. Thân cây cà tím thường cao từ 50- 150cm, có gai nhỏ. Lá cà lớn với phiến lá rộng, mặt dưới lá có lông tơ bao phủ. Hoa cà tím có màu từ trắng đến tím nhạt, nhị hoa có màu vàng.
Quả cà tím thuôn dài, vỏ bóng loáng với màu từ tím nhạt đến tím sẫm
Quả cà tím là loại quả mọng đơn lẻ, thuôn dài, vỏ bóng loáng với màu từ tím nhạt đến tím sẫm. Chiều dài một quả cà tím thường dao động từ 15- 24cm với đường kính từ 4-5 cm hoặc có thể lớn hơn tùy loại. Trong đó giống cà tím Nhật Bản và một số quốc gia phương
Đông thường thon dài và có vỏ mỏng hơn giống cà tím được trồng tại các khu vực khác.
Các loại cà tím
Cà tím gồm 3 loại: cà tím tròn, cà tím dài và cà tím dạng củ
Trên thị trường hiện nay có 3 loại cà tím phổ biến cà tím phổ biến được phân biệt qua hình dáng của quả. Cụ thể:
- Cà tím tròn: có hình tròn hoặc hình có hình như một nắm tay
- Cà tím dài: có hình dáng dài, thân nhỏ, phần đầu quả thuôn nhỏ hơn so với phần phía dưới
- Cà tím dạng củ: là loại nằm giữa cà tím tròn và cà tím dài, có kích thích dài vừa phải, phần đầu quả thuôn nhỏ hơn so với phần phía dưới tương tự như loại cà tím dài nhưng phần đuôi lại phình to tròn tương tự như cà tím tròn.
Ngoài loại cà tím làm thực phẩm thông thường, hiện nay còn có giống cà tím “cảnh” với quả có thể ăn được nhưng thường có kích thước nhỏ hơn cà tím thông thường, một số loại còn có quả hình bầu dục màu trắng.
So sánh các loại cà tím
- Về hương vị
Cà tím dài có phần thịt mềm hơn so với cà tím tròn và cà tím dạng củ
Trong 3 loại cà tím, cà tím dài có lớp da mỏng và độ ẩm cao nhất, do đó phần thịt của cà tím dài luôn mềm hơn so với 2 loại còn lại, là lựa chọn lý tưởng để làm món hấp hay sốt cà chua.
Cà tím tròn có lớp da khá dày, lượng nước trong quá tương đối thấp nên thường được sử dụng cho các món chiên trực tiếp, hầm hoặc nấu ở nhiệt độ cao.
Là loại cà tím “trung gian”, cà tím dạng củ sở hữu độ ẩm và chất lượng thịt nằm giữa hai loại cà tím dài và cà tím tròn. Điều này có nghĩa bạn có thể thoải mái chế biến loại cà tím này theo bất cứ cách nào cũng tạo nên món ăn thơm ngon, hấp dẫn để chiêu đãi các thành phần trong gia đình. Tuy nhiên, hương vị của cà tím dạng củ thường có phần “nghiêng” về cà tím dài nên nếu bạn hấp hoặc sốt cà chua thì sẽ hấp dẫn hơn cả.
- Về giá trị dinh dưỡng
Nếu xem xét giá trị dinh dưỡng riêng biệt cho từng loại cà tím thì hàm lượng carotene, canxi, kali và vitamin C có trong cá tím dài có thể cao hơn một chút so với cà tím tròn và cà tím dạng củ. Tuy nhiên, hàm lượng kẽm, magie và vitamin E có trong cà tím dài lại thấp hơn so với 2 loại còn lại.
Mặc dù có sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng nhưng khi so với dinh dưỡng tổng thể mà cà tím mang đến thì sự khác biệt này không mang khoảng cách quá lớn. Trong trường hợp không có nhu cầu bổ sung một hàm lượng dưỡng chất nhất định cho cơ thể, bạn có thể bỏ qua sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng khi lựa chọn loại cà tím cho chế độ ăn uống gia đình.