Chắc hẳn bạn đã từng ăn qua một món ăn được chế biến từ khoai mỡ. Khoai mỡ có tên khoa học là Dioscorea alata, củ khá to, nhiều hình dạng, thịt củ màu tím, mềm khi nấu chín. Khoai mỡ có vị ngọt tự nhiên, hấp dẫn và được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau, từ ngọt đến mặn.
Hơn nữa, chúng chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, tất cả đều có lợi cho sức khỏe của bạn. Vậy cụ thể khoai mỡ có tác dụng gì? Dưới đây là 7 lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên gói gọn chỉ trong một củ khoai mỡ có vẻ ngoài xù xì.
1. Rất bổ dưỡng
Khoai mỡ chứa tinh bột và là nguồn cung cấp carbohydrate, kali cũng như vitamin C. Trong 100g khoai mỡ nấu chín sẽ đem lại cho bạn:
- Lượng calo: 140
- Carbohydrate: 27g
- Protein: 1g
- Chất béo: 0,1g
- Chất xơ: 4g
Theo giá trị dinh dưỡng hằng ngày (DV):
- Natri: 0,83%
- Kali: 13,5%
- Canxi: 2%
- Sắt: 4%
- Vitamin C: 40%
- Vitamin A: 4%
2. Giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào khỏi hư hại do các gốc tự do – vốn có liên quan đến nhiều tình trạng mạn tính như ung thư, bệnh tim, tiểu đường và thoái hóa thần kinh. Khoai mỡ rất giàu chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin và vitamin C.
Anthocyanin làm khoai mỡ có màu sắc rực rỡ, có thể giúp giảm huyết áp và chống viêm, ung thư, cũng như bệnh tiểu đường týp 2. Nghiên cứu cũng cho thấy 2 loại anthocyanin trong khoai mỡ là cyanidin và peonidin có thể giảm sự phát triển của một số loại ung thư như:
- Ung thư đại tràng. Nghiên cứu cho thấy khối u ở động vật được điều trị bằng cyanidin trong chế độ ăn uống giảm tới 45%. Trong khi một nghiên cứu khác thuộc phạm vi ống nghiệm cho thấy khoai mỡ làm chậm sự phát triển các tế bào ung thư ở người.
- Ung thư phổi. Qua nghiên cứu quan sát được, peonidin làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư phổi.
- Ung thư tuyến tiền liệt. Theo nghiên cứu, cyanidin làm giảm số lượng tế bào ung thư tuyến tiền liệt của người.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng những nghiên cứu này sử dụng một lượng cyanidin và peonidin cô đặc. Vì vậy, chúng ta không nên phụ thuộc vào việc ăn khoai mỡ nhằm điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, vitamin C trong khoai mỡ giúp giữ các tế bào cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng hấp thụ sắt và bảo vệ ADN khỏi hư tổn. Trên thực tế, khi hấp thu đủ lượng vitamin C cần thiết, mức độ chống oxy hóa của cơ thể có thể tăng lên tới 35%.